“Chúng tôi ủng hộ xu hướng toàn cầu về cắt giảm việc sử dụng chất dẻo. Chúng tôi đang chuẩn bị các biện pháp hạn chế và có thể sẽ mất nhiều thời gian để người dân thừa nhận và chấp nhận việc này” – ông Kobylkin nhấn mạnh.Kết quả cuộc khảo sát do Trung tâm Levada tiến hành cho thấy hiện nay có rất nhiều người Nga đã bắt đầu chấp nhận xu hướng sinh thái. Khoảng 30% số người Nga đã sử dụng các loại túi dùng nhiều lần để mua hàng hóa thay vì các túi nilon dùng một lần. Đặc biệt, cứ 6 người Nga thì có một người sẵn sàng từ bỏ việc sử dụng các loại vật dụng bằng nhựa dùng một lần.
Trả lời phỏng vấn của RT, Nghị sĩ Elena Serova, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cho biết: “Trong tình hình chất thải nhựa trên toàn cầu là một vấn đề nổi cộm, đây là một sáng kiến hợp lý. Tất cả các nước phát triển nên cấm các loại bát đĩa nhựa dùng một lần”.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức trách Nga thảo luận các biện pháp hạn chế việc sử dụng các loại vật dụng bằng nhựa. Năm ngoái, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã kêu gọi cấm sử dụng các loại bát đĩa nhựa dùng một lần. Hồi tháng 4 năm nay, một Nghị sĩ Nga cũng đã đưa ra sáng kiến cấm sử dụng các túi nhựa dẻo và cho rằng các loại túi này đã trở thành một vấn đề quan trọng liên quan tới ô nhiễm môi trường.
Nếu sáng kiến này trở thành luật, Nga sẽ là nước tiếp nối Liên minh châu Âu cấm sử dụng các loại bát đĩa nhựa dùng một lần, các loại tăm bông, ống hút, que nhựa, nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng của các loại chất thải nhựa. Một vài bang và thành phố của Mỹ, bao gồm Hawaii và New York cũng đã đưa ra lệnh cấm các loại đồ dùng nhựa sử dụng một lần.